Lây bệnh từ ...máy giặt
Lây bệnh từ ..... máy giặt
Thấy con bị đái dắt, kêu khóc mỗi lần đi tiểu, chị Kim (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) dùng một số mẹo dân gian để chữa bệnh cho con nhưng không khỏi. Đưa đến bệnh viện các bác sĩ cho biết con chị mắc bệnh lậu. Cả gia đình chị Kim tá hỏa vì không biết con mắc bệnh từ đâu
Trẻ nhiễm lậu từ bác giúp việc
Bé Bông, con gái chị Kim chưa đi học nên ngay khi bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm, họ lo ngại con mình có thể bị xâm hại tình dục. Bác sĩ kiểm tra vùng kín của cháu thì không phát hiện ra dấu hiệu gì của việc bị xâm hại.
Được bác sĩ cho biết, bệnh lậu cũng có thể lây qua việc mặc chung hoặc ngâm giặt chung quần áo nên cả nhà chị Kim cuống cuồng đi làm xét nghiệm. Kết quả, người bị mắc bệnh lậu không phải là vợ chồng chị Kim mà là chị giúp việc. Hóa ra cháu Bông bị lây bệnh lậu từ người giúp việc do ngâm và giặt chung quần áo với cháu.
Cũng vì giặt chung quần áo mà cả gia đình anh Tâm (ở quận Long Biên, Hà Nội) đã bị lây sốt siêu vi. Biết chồng bị sốt siêu vi nên chị Lan đã rất cẩn thận khi để chồng nằm cách ly riêng một phòng, không cho tiếp xúc với hai con nhỏ. Thế nhưng cuối cùng cả nhà chị đều bị lây bệnh từ anh Tâm. Chị Lan nói với bác sĩ rằng mình đã cách ly, không dùng chung bát đĩa, cốc chén, khăn mặt vì thế nguyên nhân làm lây bệnh cho cả nhà chỉ có thể là từ… chiếc máy giặt. Chị Lan đã cẩn thận giặt riêng quần áo của chồng thành một mẻ, còn quần áo của ba mẹ con giặt riêng một mẻ khác. Nhưng bác sĩ cho biết, máy giặt chính là ổ lưu vi khuẩn, ngay cả khi giặt riêng thì vi khuẩn có trong máy giặt vẫn có thể làm nhiễm chéo bệnh của nhau.
Có thể lây bệnh từ máy giặt.
TS.BS Vũ Đình Cầu, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Tiết niệu, Học viện Quân y cho biết, máy giặt dùng lâu chứa rất nhiều vi khuẩn có hại cho sức khỏe, dùng không đúng cách sẽ rất dễ nhiễm bệnh. Bụi bẩn từ quần áo cộng thêm môi trường ẩm ướt, khiến nhiều loại vi khuẩn phát triển, biến máy giặt trở thành một nơi “cực kỳ nguy hiểm”. Nhiều bệnh nhân vô tình bị nhiễm bệnh từ ổ vi khuẩn ẩn náu trong máy giặt mà không hiểu nguyên nhân do đâu.
Các nhà khoa học trên thế giới ước tính rằng, trung bình có khoảng 0,1g (10.000 vi sinh vật) trong mỗi cặp quần lót “sạch”. Chu trình lây bệnh từ việc giặt tẩy không chỉ qua việc loại bỏ vi khuẩn trong quần áo mà còn qua lây nhiễm chéo. Vi khuẩn có thể bị lây từ quần lót bẩn, từ ga trải giường, từ tất, từ quần áo bảo hộ... Ngay cả máy giặt cũng tham gia vào quá trình lây bệnh chéo này.
Máy giặt sử dụng lâu ngày mà không được vệ sinh sạch sẽ thì sẽ biến thành ổ chứa vi khuẩn cực kỳ nguy hiểm. Nước tích tụ phía sau vòng đệm, bình thường người dùng sẽ không phát hiện được nhưng đây chính là những ổ chứa vi khuẩn, hàng chục nghìn bào tử nấm mốc độc hại và các loại vi khuẩn khác. Vào năm 2005, đại dịch E.coli ở Anh Quốc đã làm 150 người ngã bệnh và cướp đi mạng sống của một em bé đã khiến các cơ quan y tế phải truy tìm hành tung của con vi khuẩn đáng ghét này. Kết quả thật khó ngờ, máy giặt lại là hang ổ của đám cơ hội E.coli. Bởi vi khuẩn này đã “di cư” và ẩn náu trong máy giặt.
Tránh việc nhiễm chéo bệnh từ máy giặt
TS.BS Vũ Đình Cầu khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên giặt chung đồ của người lớn với trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Quần lót thì cần giặt riêng, nên giặt bằng tay, phơi ở những nơi có ánh nắng. Quần lót nếu giặt chung với tất, ga trải bàn, quần áo bảo hộ… thì phụ nữ có thể bị nhiễm nấm từ những đồ dùng này.
Nên vệ sinh máy giặt đều đặn, ít nhất là 2 lần/tháng. Hạn chế sử dụng các chất làm mềm vải. Nước xả vải thường để lại dầu, silicone nằm lại trong máy giặt, là nguyên nhân làm cho máy giặt bẩn hơn, khiến cho vi khuẩn rình rập tìm cách tàn phá sức khỏe. Do vậy hộp chứa nước xả vải ở máy giặt là một trong những vị trí chứa nhiều vi khuẩn nhất.
Theo chị Phó Thị Hải Yến, chuyên viên tư vấn (Văn phòng giới thiệu sản phẩm hóa phẩm Mckenic Láng Hạ, Hà Nội) có một số cách để vệ sinh máy giặt như sau:
- Xả nước trong vào lồng giặt. Cho nước diệt khuẩn hoặc có thể thay thế bằng 2-3 bát dấm trắng hoặc chanh cắt lát (3 quả), chất tẩy (javen, clo) hoặc bột baking soda.
- Tiếp theo, cho máy quay 5 phút để các chất tan vào nước, sau đó ngâm từ 30 phút – 1 tiếng. Cuối cùng, “tống khứ” vi khuẩn gây hại bằng cách bật máy giặt và xả nước ra ngoài.
- Tháo ngăn chứa nước xả vải của máy, đây cũng được xem là “hang ổ” chứa vi khuẩn, bởi rất nhiều cặn bẩn bám lại đây. Dùng giẻ lau sạch thành ngăn…Tiếp đó, cọ rửa và ngâm vỏ ngăn với dung dịch chứa chất tẩy rửa hoặc nước nóng để diệt khuẩn.
- Bộ lọc cặn của máy giặt cũng là nơi bạn phải chú ý đến. Hãy xối nước thật mạnh vào bộ phận này để những cặn bẩn trôi đi, vi khuẩn không còn nơi trú ngụ.
Các thao tác này cần được thực hiện ít nhất 2 lần/tháng để đảm bảo máy giặt thực sự sạch sẽ.
Kỹ sư hóa học Nguyễn Quang Thuận, nguyên cán bộ Viện Nguyên tử năng lượng Việt Nam cho biết, hiện nay trên thị trường có một số sản phẩm hóa phẩm diệt khuẩn dùng cho máy giặt. Người tiêu dùng có thể sử dụng các loại hóa phẩm diệt khuẩn này để vệ sinh cho máy giặt. Những sản phẩm này còn có tác dụng diệt khuẩn trên vải vóc quần áo. Vì thế bạn có thể sử dụng nước diệt khuẩn này thay cho nước xả vải khi trong gia đình có người mắc bệnh hoặc người trong gia đình đi thăm bệnh nhân ở vùng dịch về như sởi, cúm, thủy đậu…